Thu hết đồ chơi của con tưởng chừng là biện pháp tàn nhẫn nhưng thực ra lại mang đến những hiệu quả rất bất ngờ.
Trẻ em thời nay ngập ngụa trong vô vàn các loại đồ chơi đầy màu sắc, kiểu dáng. Ai trong chúng ta cũng đều có tuổi thơ của riêng mình và con trẻ cũng vậy. Nếu ông bà ta thời xưa không có hoặc có rất ít đồ chơi thì với điều kiện kinh tế hiện nay, mỗi đứa trẻ có cả bộ sưu tập đồ chơi bày đầy sàn nhà hay trong phòng của chúng. Thậm chí nhiều đứa trẻ ngày nay không chỉ chìm trong cả đống đồ chơi mà còn được vây quanh bởi điện thoại thông minh và không biết thế giới bên ngoài ra sao.
Điều này dẫn tới hệ lụy là trẻ không có đồ chơi thì sẽ thiếu sức sáng tạo, bị thiếu năng lực tư duy. Nhiều bố mẹ sẵn sàng bỏ ra khoản lớn để mua rất nhiều đồ chơi về cho con vừa là để chiều lòng các con cũng vừa là hy vọng con phát triển tốt. Một dự án mang tên “Tuổi thơ không đồ chơi” do tổ chức thanh thiếu niên phi lợi nhuận có tên Aktion Jugendschutz của Đức được khởi xướng dựa trên quan điểm cho rằng những hành vi được bắt nguồn từ thói quen của con người được hình thành khi chúng ta còn là một đứa trẻ.
Thu hết đồ chơi của con mang đến hiệu quả bất ngờ
Dự án này đã được thực hiện nhằm minh chứng cho việc tách những đứa trẻ khỏi những đồ chơi hàng ngày sẽ giúp ngăn chặn được những chứng nghiện khi trưởng thành. Theo đó, trong ba tháng trẻ em sẽ không được tiếp xúc với món đồ chơi nào mà chúng chỉ được tiếp xúc với những vật dụng cần thiết hàng ngày. Trong quá trình giảng dạy cho trẻ, họ sẽ không gợi ý hay hướng dẫn bất cứ trò chơi nào cho trẻ tham gia mà sẽ để trẻ tự tìm cách đối phó với cái nhàm chán trong hoạt động thường ngày của chúng.
Điều này có vẻ rất nghiêm khắc với một đứa trẻ nhưng dự án này sẽ tiếp tục được thực hiện với một mục tiêu sư phạm quan trọng là nâng cao các kỹ năng sống của trẻ để chống lại các chứng nghiện trong tương lai. Bà Elisabeth Seifert đang là Giám đốc điều hành của Aktion Jugendschutz cho biết không có đồ chơi, những đứa trẻ sẽ có cơ hội để phát triển những ý tưởng của riêng chúng, trẻ có nhiều thời gian hơn để chơi với những đứa trẻ khác để từ đó trẻ có thể phát triển năng lực tâm lý xã hội tốt hơn.
Thu hết đồ chơi của con mang đến hiệu quả bất ngờ
Những năng lực này bao gồm sự hiểu biết rõ về bản thân, sự yêu thích bản thân, đề cao hơn cái tôi cá nhân và có được sự đồng cảm với người khác, trẻ có được những suy nghĩ mới, sự sáng tạo, kỹ năng phê bình, giải quyết vấn đề cũng như sửa chữa lỗi lầm. Trẻ cần học được những kỹ năng sống này càng sớm càng tốt vì những hành vi bắt nguồn từ thói quen hình thành khi ta còn là một đứa trẻ.
Một vài ông bố bà mẹ tỏ ra hoài nghi về dự án này, họ lo lắng rằng ý tưởng này có thể khiến những đứa trẻ sợ không dám đến trường nữa. Để loại bỏ mối hoài nghi của phụ huynh về sự án này, dự án đã dùng camera để giúp cha mẹ biết con họ làm gì nếu không có đồ chơi và kết quả thực sự khiến nhiều người bất ngờ. Trẻ tự làm đồ chơi của riêng mình bằng bất cứ thứ gì chúng bắt gặp ở xung quanh, chúng vẫn đang chơi chỉ là chơi theo cách khác mà thôi.
Sau thời gian tham gia dự án, những đứa trẻ có những thay đổi bất ngờ. Nếu trước đây trẻ luôn bắt người lớn hoặc các bạn khác chơi cùng mình thì giờ đây chúng luôn hào hứng với những quả trứng hoặc viên đá nào đó mà trẻ tìm được sau chuyến dã ngoại. Trẻ cũng có thể tự chơi một mình ngoài trời ngay cả khi không ai chơi cùng. Qua đó những đứa trẻ trở nên sáng tạo hơn, tự lập hơn và không còn lệ thuộc vào đồ chơi nữa. Hiện nay đã có rất nhiều trường mầm non áp dụng dự án này vào giảng dạy.