Các bà mẹ đều biết rằng chẳng dễ dàng gì để một đứa trẻ có thể ngủ ngoan không cần dỗ dành từ đêm đến sáng. Nguyên nhân đôi khi xuất phát từ chính cha mẹ đã khiến con ngủ không ngon giấc. Điều này nếu kéo dài vừa làm con chậm phát triển lại khiến cha mẹ mệt mỏi vì phải thức đêm canh chừng con. Thay vào đó, hãy tìm hiểu những nguyên nhân khiến trẻ thức dậy giữa đêm để tránh qua bài viết này.
1. Cho trẻ thức khuya
Sẽ có những ngày bạn muốn chơi với con lâu hơn một chút trước khi cả hai đi ngủ vì ban ngày bạn quá bận rộn và không có thời gian cho con. Vậy nhưng thức khuya khiến trẻ bị mệt mỏi, trở nên cáu gắt và không chịu đi ngủ khi quá giờ. Bố mẹ cần phải thiết lập một thời gian biểu và cố gắng phân bố thời gian ngủ phù hợp cho trẻ. Cách tốt nhất cho giấc ngủ của trẻ là để chúng được nghỉ ngơi, giảm các hoạt động xung quanh và nhớ giảm cả ánh sáng đèn. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần quan sát những dấu hiệu cho thấy trẻ đang cảm thấy mệt mỏi như dụi mắt hoặc mí mắt sụp xuống và nhắc con đi ngủ.
2. Tạo sự phân tâm trước giờ đi ngủ
Nhiều cha mẹ cho rằng điện thoại, nhạc nhẹ, đèn ngủ hay đồ chơi và những con gấu bông bên cạnh sẽ có tác dụng giúp bé ngủ ngoan hơn nhưng trên thực tế, các bé sẽ bị xao nhãng vì muốn chơi với chúng nhiều hơn chứ không tập trung đi ngủ. Lời khuyên là hãy cất hết những món đồ gây phân tâm này đi để trẻ không bị xao nhãng. Mặt khác, bạn cũng nên tắt hoàn toàn tivi và điện thoại trước khi cho con ngủ vì sóng từ những thiết bị này sẽ gây gián đoạn lên chu kỳ giấc ngủ và làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Những sai lầm của bố mẹ khiến trẻ không ngủ ngoan một mạch tới sáng
3. Bỏ qua trình tự trong thời gian biểu
Cần thiết lập thời gian biểu phù hợp nhất với sinh hoạt của gia đình mình và phải duy trì nó thường xuyên, không được bỏ qua bất kỳ bước nào bởi điều này có thể làm cho trẻ ngủ lệch giờ và gây ảnh hưởng đến thói quen ngủ vốn có của trẻ. Ví dụ như nếu bé đã có thói quen tắm nước ấm hay đọc truyện, nghe hát ru trước khi ngủ thì bạn nên duy trì nếp đó cố định hàng ngày.
4. Cho bé ra ngoài sát giờ đi ngủ
Việc cho trẻ đi chơi trước giờ ngủ không phải một ý tưởng hay ho gì. Hoạt động này sẽ làm trẻ bị phấn khích mãi không thôi và khiến bé khó ngủ. Bé sẽ kể mãi về những gì bé nhìn thấy, nghe thấy hay được chơi ở bên ngoài, thậm chí là kể đi kể lại mà không chịu đi ngủ đúng giờ. Chính vì thế nếu muốn đưa con đi chơi thì hãy đi sớm về sớm, đừng để con chơi ở ngoài khi giờ ngủ sắp đến.
5. Thay đổi thời gian ngủ
Giống như người lớn, trẻ em cũng thích sự nhất quán. Do đó, việc thiết lập và giúp bé tuân theo thời gian biểu cụ thể là điều cần thiết, nhất là với giấc ngủ. Bố mẹ cần đặt ra giờ ngủ trưa và ngủ tối cụ thể hàng ngày một cách rõ ràng nhất. Chính việc này sẽ gián tiếp thông báo với trẻ rằng đâu là lúc nghỉ ngơi và cơ thể bé cũng sẽ hoạt động theo thời gian biểu đó. Lâu dần sẽ tạo thành thói quen và phản xạ khiến bé đến giờ là lên giường ngủ một cách tự giác.

Những sai lầm của bố mẹ khiến trẻ không ngủ ngoan một mạch tới sáng
6. Bế con lên ngay khi bé khóc trong đêm
Mỗi lần con khóc đêm, bạn sẽ nghĩ là mình cần thức dậy để cho con ăn hay bế con lên để kiểm tra tã lót. Vậy nhưng hành động này sẽ tạo cho bé thói quen là cần phải được dỗ dành mới đi ngủ lại. Đôi khi trẻ con cũng có thể tỉnh giấc vài lần trong đêm giống chúng ta chẳng vì lý do gì cả. Chỉ có điều chúng không biết cách tự đưa mình vào lại với giấc ngủ và tự chúng phải học điều đó dần dần. Nếu con bạn bắt đầu khóc đêm, bạn cần để cho bé có một vài phút tự dỗ dành mình chứ không nên vội bế bé lên. Chỉ sau một vài ngày, bé sẽ tự ngủ lại mà không cần đến bất kỳ sự giúp đỡ nào của cha mẹ.
7. Gộp chung giấc ngủ với bữa ăn
Trong những tháng đầu đời, các bé ngủ trong khi đang bú sữa là chuyện rất bình thường nhưng khi trẻ bắt đầu phát triển hệ tiêu hóa thì thức ăn cần mất một thời gian sau khi ăn mới có thể tiêu hóa. Chính vì thế bạn tuyệt đối không được để con ngủ trong khi ăn. Hãy cho bé ăn ít nhất 1 tiếng trước khi đi ngủ hay cho bé uống 1 cốc sữa để đảm bảo rằng con được no bụng đến sáng. Việc để cho con vừa bú vừa ngủ có thể giúp bé dễ ngủ hơn nhưng việc này cũng lại tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
8. Rung lắc
Bố mẹ có thể đung đưa để bé thư giãn trước khi ngủ nhưng tuyệt đối không nên ru bé ngủ bằng cách rung lắc người con. Hành động này sẽ tạo thành thói quen khiến con bị phụ thuộc vào nó thì mới ngủ được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bé cũng cần được rung lắc để ngủ tiếp nếu bất chợt tỉnh tỉnh giấc trong đêm. Bạn nên cố gắng không dỗ trẻ ngủ bằng cách đung đưa hoặc đẩy xe hay đi lại bởi đó chỉ là cách để trấn an trẻ chứ sẽ không giúp bé ngủ ngoan hơn.
9. Di chuyển giường, phòng ngủ của bé
Nên nhớ rằng giường ngủ của bé cần được đặt cố định ở một vị trí, không nên thay đổi phòng ngủ của bé. Trường hợp giường ngủ hay phòng ngủ bị thay đổi vị trí, các bé có xu hướng bị thu hút bởi vị trí mới và khó ngủ hơn. Nếu ngay từ đầu trẻ đã ngủ trong giường cũi thì bạn nên để bé ngủ yên ở đó bởi nó đã trở thành một phần trong thói quen ngủ của trẻ. Hãy chỉ thay đổi điều đó cho đến khi bé lớn lên và cần có một chiếc giường mới.